Tổng hợp các mô hình giá phổ biến trong giao dịch Forex – Phần 1
Mô hình giá là kết quả của sự tương tác khá phức tạp giữa người mua và người bán; giữa những vùng kháng cự và hỗ trợ. Vậy cụ thể mô hình giá là gì và các mô hình giá hiện nay được đông đảo các trader sử dụng. Hãy cùng Gocdautu tìm hiểu ngay dưới bài viết này.

Mô hình giá là gì?
Mô hình giá là tập hợp tất cả giá cả mà sau khi nối những điểm giá lại với nhau ở một khoảng thời gian cụ thể, sẽ hình thành nên những hình dạng nhất định như sau: Mô hình 2 đỉnh, 2 đáy, mô hình vai đầu vai… nhờ đó, sẽ mang đến những gợi ý cho trader biết hành động sau đó của giá là như thế nào, dựa trên các dữ liệu mà giá đã xảy ra làm trong quá khứ.

Tại sao cần phải chú ý đến mô hình giá?
Việc sống còn đối với các trader đó là đi tìm câu trả lời cho bài toán đố của bậc thầy thị trường như: làm sao để nhận biết ra các biến động giá cả trước khi chúng thực sự diễn ra.
Mô hình giá cũng giống như máy rà tìm bom mìn, nên khi sử dụng sẽ tìm được những điểm có mìn trên biểu đồ giá. Chính vì vậy, bạn sẽ hành động sớm hơn, trước khi nó phát nổ, để mang lại khả năng sinh lợi tối đa.
Bên cạnh đó, nếu theo dõi những mô hình giá khác nhau, trader sẽ nhận biết được rằng giá cả thường xuyên có xu hướng lặp đi lặp lại, nên khi mô hình được tạo thành ở quá khứ, nếu chúng lại xuất hiện ở thời điểm hiện tại, đồng nghĩa thị trường sẽ có xu hướng phản ứng giống như với mô hình trước đó.
Vì vậy những mô hình giá trở thành tấm gương phản chiếu, hỗ trợ trader dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm, xác nhận xu hướng tiếp theo giá sẽ diễn ra.
Các mô hình giá quan trọng trong Forex
Bản chất của việc tìm những mô hình giá cũng chỉ là để xác nhận ở xu hướng đang diễn ra hay xu hướng sắp đảo chiều.
Trong forex, luôn luôn có một giai đoạn chuyển giao và giai đoạn này cũng là lúc những mô hình dễ dàng hình thành nhất. Và tất nhiên, không phải giá cứ hình thành nên mô hình đồng nghĩa là bạn sẽ thắng và có lợi nhuận. Mô hình ở bất cứ trường hợp nào cũng sẽ bị phá vỡ, chỉ là tỷ lệ rủi ro sẽ giảm bớt đi, nếu bạn biết được hành động giá đang tiếp diễn như thế nào.

Trong phân tích kỹ thuật forex có rất nhiều các mô hình giá khác nhau. Tuy nhiên, những mô hình giá thường được chia thành 2 dạng như sau: Mô hình giá đảo chiều và mô hình giá tiếp diễn.
Mô hình giá đảo chiều
Mô hình giá đảo chiều là các mô hình đưa ra tín hiệu xu hướng giá hiện tại có thể sẽ thay đổi hướng từ giảm sang tăng lên hoặc ngược lại, từ tăng sang giảm xuống. Nếu mô hình đảo chiều xuất hiện ở một xu hướng tăng, điều này cho thấy rằng giá có thể sẽ giảm xuống. Ngược lại nếu mô hình đảo chiều tạo nên một xu hướng giảm, điều này cho thấy rằng giá có thể đảo chiều và sau đó đi lên.
Tuy nhiên, việc đảo chiều xu hướng không diễn ra ngay lúc đó mà sẽ cần một khoảng thời gian “giằng co” giữa phe mua và phe bán. Sau đây là một vài mô hình giá đảo chiều
Mô hình vai đầu vai
Mô hình vai đầu vai ( Head-and-Shoulders ) thường được tạo thành ở cuối xu hướng tăng. Khi xu hướng tăng được nhận thấy ở giai đoạn nối tiếp giá tăng lên đến đỉnh và xuống đáy, mô hình vai đầu vai cho biết xu hướng dần yếu đi.

Mô hình gồm một đầu (đỉnh thứ hai là đỉnh cao nhất), hai vai (đỉnh thấp hơn) và một đường vòng cổ neckline (đường nối điểm thấp nhất hai đáy của hai vai và đại diện cho một mức hỗ trợ). Đường neckline có thể đi ngang hay dốc. Tín hiệu sẽ đáng tin hơn khi độ dốc giảm xuống.
Với mô hình này sẽ được xác định khi giá phá vỡ dưới đường neckline sau khi xuất hiện vai thứ hai. Một khi điều nó xảy ra, cặp tiền tệ sẽ bắt đầu với xu hướng giảm. Vì vậy, lệnh bán được đặt dưới đường neckline. Để có được những mục tiêu đo lường khoảng cách giữa điểm cao nhất của đầu và đường neckline. Khoảng cách này gần bằng với giá sẽ dịch chuyển sau khi nó phá vỡ đường neckline.
Mô hình 2 đáy
Mô hình 2 đáy (Double Bottom) sẽ hình thành ở cuối xu hướng giảm và cho biết thị trường sắp đảo chiều từ giảm sang tăng lên. Mô hình hai đáy có hình dáng giống như chữ “W”. Có nghĩa là giá cả thị trường sẽ dần dần giảm xuống đáy thứ nhất rồi giá sẽ có xu hướng phục hồi tăng lên một chút trước khi giảm giá và hình thành đáy thứ 2. Sau khi thị trường hình thành nên đáy 2, lúc này giá sẽ không giảm xuống mà tiếp tục tăng cao.

Mô hình 2 đỉnh
Mô hình hai đỉnh (Double Top) có hình dáng giống chữ M, được hình thành trong xu hướng tăng và cho biết thị trường sắp đảo chiều từ tăng sang giảm xuống.

Ở xu hướng tăng, khi giá thị trường đi lên gặp ngưỡng kháng cự mạnh mẽ mà giá không đi qua được. Lúc này, giá tạo một nhịp giảm và tạo nên một đỉnh. Tiếp tục giá không thể đi qua được ngưỡng hỗ trợ mà quay ngược đầu tăng giá và hình thành một đáy. Tương tự, khi gặp ngưỡng kháng cự giá sẽ lại quay đầu giảm để hình thành nên đỉnh thứ 2. Cuối cùng có một điểm breakout vượt qua vùng hỗ trợ sẽ cho biết mô hình 2 đỉnh hoàn tất. Lúc này sẽ là thời điểm phù hợp để các trader thực hiện sell.
Mô hình 3 đáy
Mô hình 3 đáy (Triple Bottom) nó thể hiện xu hướng đảo chiều của thị trường. Mô hình 3 đáy gồm 3 đáy có hình dạng tương tự như 3 chữ V ghép lại với nhau và còn có 2 đỉnh với hình dạng chữ A. Cuối cùng của mô hình 3 đáy sẽ là một điểm breakout (điểm đột phá) nằm phía trên đường kháng cự.

Mô hình 3 đáy này hay hình thành ở cuối xu hướng giảm. Đây cũng chính là dấu hiệu cho biết thị trường sắp đảo chiều từ giảm sang tăng lên. Thời điểm breakout khỏi đường kháng cự chính là lúc tốt nhất để các trader vào lệnh Buy.
Mô hình 3 đỉnh
Mô hình 3 đỉnh (Triple Top) hình thành ở một xu hướng tăng cho biết thị trường sắp đảo chiều từ tăng sang giảm xuống. Mô hình này có hình dáng như 3 ngọn núi xếp liền nhau. Những đỉnh của mô hình thông thường sẽ cao gần bằng nhau và xen kẽ giữa những đỉnh là 2 đáy tạm thời.
Mô hình này sẽ được xuất hiện trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng. Ở khoảng thời gian trước khi có đỉnh thứ ba thì mô hình này có hình dáng khá giống với mô hình 2 đỉnh.

Tuy nhiên điều đặc biệt ở mô hình 3 đỉnh là tín hiệu của thị trường sẽ đưa ra sẽ mạnh mẽ hơn so với mô hình 2 đỉnh. Và nhiều trader “lão làng” cũng có nhận định độ chuẩn xác của mô hình 3 đỉnh chỉ xếp sau độ chuẩn xác của mô hình đầu vai.
Mô hình kim cương
Mô hình kim cương (Diamond Top) được hình thành bởi 2 hình tam giác hợp lại có hình dạng khá giống như viên kim cương. Mô hình kim cương xuất hiện trong xu hướng tăng báo hiệu sự đảo chiều từ tăng sang giảm.

Mô hình kim cương có hai đường hỗ trợ bên dưới và hai đường kháng cự bên trên tạo nên mức đỉnh và mức đáy. Sau khi giá giảm và phá vỡ cạnh bên phải của hình thoi là dấu hiệu đảo chiều mạnh mẽ và nhà đầu tư có thể vào một lệnh Sell để kiếm lời.