Mô hình Gartley – Phần 1
Mô hình Gartley được ví như là “anh lớn” của Harmonic pattern. Nó tạo nên ý tưởng tuyệt vời để các nhà phân tích tạo ra những Harmonic biến thể động vật như Bat pattern (Con dơi), Butterfly pattern (Con bướm), Shark pattern (Con cá mập) hay Crab pattern (Con cua)…, mang đến những hiệu quả giao dịch trong thị trường tài chính.
Và để hiểu rõ về Gartley pattern là gì? Đặc điểm cũng như cách giao dịch như thế nào? Các trader hãy theo dõi bài viết dưới đây mà Gocdautu chia sẻ.

Mô hình Gartley – Gartley Harmonic pattern là gì?
Mô hình Gartley nguyên thủy được hình thành bởi một nhà phân tích kỹ thuật có tên Harold M. Gartley (1899 – 1972) vào năm 1932. Và sau đó, ông đã mang mô hình này vào trong quyển sách “Profits in The Stock Markets – Lợi nhuận trên thị trường chứng khoán”, xuất bản lần đầu tiên năm 1935 và được công bố rộng rãi tới công chúng và các trader toàn cầu.
Mô hình Gartley này còn có một tên gọi khác là Gartley 222. Tại sao lại có tên này ư? Bởi vì nó được tìm thấy tại trang số 222 trong quyển sách Profits in The Stock Markets.
Lúc đầu, mô hình Gartley chỉ gồm 5 điểm X, A, B, C, D, nối lại với nhau hình thành hình chữ M hay W. Nhưng về sau các nhà phân tích khác mới làm nó trở nên phức tạp hơn bằng việc gắn những tỷ lệ Fibonacci vào cho mô hình này. Những đặc điểm mới của mô hình là Larry Pesavento đã cải thiện Gartley pattern bằng những tỷ lệ Fibonacci và thiết lập các quy tắc giao dịch với mô hình này dựa trên quyển sách “Fibonacci Ratios With Pattern Recognition”, Scott Carney đã bổ sung rất nhiều các kiến thức thực tế vào trong những quy tắc giao dịch, tính hợp nhất của mô hình và kể cả cách quản lý rủi ro khi giao dịch với mô hình Gartley.

Mô hình Gartley khi chưa được gắn những tỷ lệ Fibonacci:
Mô hình này cần có những điều kiện sau:
- Bullish Gartley: Điểm C phải thấp hơn điểm A và điểm D cần phải cao hơn điểm X
- Bearish Gartley: Điểm C phải cao hơn điểm A và điểm D cần phải thấp hơn điểm X
So với Gartley pattern, những mô hình giá khác như mô hình tam giác, mô hình lá cờ, mô hình cái nêm và mô hình Vai đầu vai… cũng có sử dụng những tỷ lệ Fibonacci nhưng rất ít và không quá nổi trội như những mô Harmonic pattern này.
Mô hình Gartley cũng được sử dụng trên nhiều thị trường khác nhau, cùng với nhiều loại tài sản khác nhau và được tìm thấy trên mọi khung giờ giao dịch.
Đặc điểm nhận biết và quy tắc của những tỷ lệ Fibonacci trong Gartley pattern
5 điểm X, A, B, C, D của mô hình hình thành 4 đợt sóng như sau: XA, AB, BC và CD
Trong đó:
- XA và BC chuyển động cùng chiều,
- AB và CD chuyển động theo chiều ngược lại.
Nguyên tắc chuyển động của 4 sóng này khá giống với chuyển động của sóng Elliott: những sóng AB, BC, CD như là một sự điều chỉnh của sóng chính XA và sau khi có sự điều chỉnh này, thị trường mong muốn tiếp tục xu hướng của XA ở điểm D.
Mô hình Gartley bao gồm 2 loại: Bullish Gartley (Gartley tăng giá) và Bearish Gartley (Gartley giảm giá).
- Bullish Gartley: Sau khi mô hình hình thành,lúc này thị trường đi lên ở điểm D, trader có thể đặt lệnh Buy.
- Bearish Gartley: Sau khi mô hình hoàn thành, lúc này thị trường đi xuống ở điểm D, trader có thể đặt lệnh Sell.
Đặc điểm nhận diện của mô hình Gartley

Mô hình Bullish Gartley:
- Khởi đầu bằng đoạn theo chiều hướng hướng tăng XA
- Tiếp đó, thị trường sẽ điều chỉnh giảm về điểm B và hình thành sóng AB
- Sau đó, giá tăng lên lại ở điểm C, hình thành sóng BC với điểm C không vượt quá điểm A
- Cuối cùng, mô hình hoàn thành bằng đoạn giảm giá CD, với điểm D không được vượt quá X
- Sau khi mô hình kết thúc ở điểm D và đáp ứng tất cả những quy tắc về tỷ lệ Fibonacci thì Bullish Gartley hoàn thiện, thị trường có xu hướng tăng tại điểm D, lúc này trader có thể đặt lệnh Buy.
Mô hình Bearish Gartley:
- Khởi đầu bằng đoạn có chiều hướng giảm XA
- Tiếp đó, thị trường có sự điều chỉnh tăng lên đến điểm B, hình thành sóng AB
- Sau đó, giá giảm xuống lại điểm C, hình thành sóng BC với điểm C không được vượt quá điểm A
- Cuối cùng, mô hình hoàn thành bằng đoạn tăng giá CD, với điểm D không được vượt quá điểm X
- Sau khi kết thúc ở điểm D và đáp ứng tất cả những quy tắc về tỷ lệ Fibonacci thì Bearish Gartley hoàn thiện, thị trường có xu hướng giảm xuống ở điểm D, trader có thể đặt lệnh lệnh Sell.
Những quy tắc về tỷ lệ Fibonacci
Sử dụng cho 2 loại của mô hình là Bullish Gartley và Bearish Gartley
- Không có quy tắc cụ thể nào về mức độ tăng hay giảm của đoạn xu hướng lúc đầu XA
- AB điều chỉnh mức thoái lui là 0.618 đối với đoạn xu hướng XA
- BC điều chỉnh mức thoái lui từ mức 0.382 tới mức 0.886 của đoạn xu hướng AB
- CD mở rộng về mức thoái lui từ mức 1.27 tới mức 1.618 của đoạn xu hướng AB và thoái lui về mức là 0.786 của đoạn xu hướng XA.
Đối với mô hình Gartley, 2 tỷ lệ then chốt nhất chính là mức thoái lui là 0.618 của AB đối với XA và mức thoái lui là 0.786 của CD đối với XA. Với hai tỷ lệ này đòi hỏi sự chuẩn xác lớn hoặc ít nhất phải xấp xỉ nhưng không đáng kể thì mô hình Gartley mới hình thành.
Ngoài ra, 3 sóng AB, BC và CD của mô hình Gartley phải có tỷ lệ tương đồng với mô hình AB = CD Harmonic, đây được xem là điểm đặc biệt của mô hình Gartley so với những mô hình biến thể động vật khác.