Chỉ báo On Balance Volume (OBV) là gì?
Giá và khối lượng là 2 yếu tố cốt lõi của trường phái phân tích kỹ thuật , mối quan hệ giữa sự chuyển dịch của giá và khối lượng là cơ sở cho những nhà phân tích dự đoán xu hướng của thị trường. Tuy nhiên, phần lớn các chỉ báo kỹ thuật cơ bản nhất hiện nay chỉ được tính toán căn cứ trên giá cả, từ các dữ liệu giá trong quá khứ để dự đoán chuyển động của giá trong tương lai và chúng ta sẽ cực hiếm khi thấy những chỉ báo khối lượng.
Trong bài phân tích Gocdautu sẽ giới thiệu với các bạn chỉ báo OBV, một indicator không quá thông dụng trong hoạt động phân tích kĩ thuật. Tuy nhiên khả năng cung cấp những tín hiệu dự đoán xu hướng giá của thị trường khiến chúng ta không thể coi thường.

Chỉ báo OBV là gì?
OBV là chữ viết tắt của On Balance Volume (Khối lượng cân bằng) , là một chỉ báo kỹ thuật, có chức năng xác định động lực của xu hướng nhờ các mối quan hệ giữa sự thay đổi của giá và khối lượng. Hoặc là động lực của xu hướng được củng cố, thị trường tiếp tục xu hướng hoặc là động lực của xu hướng đang ngày càng suy yếu đi và thị trường có khả năng đổi chiều sang xu hướng mới.

Chỉ báo OBV được phát triển bởi Joseph Granville (20/03/1923 – 07/09/2013) , một thiên tài phân tích kỹ thuật nổi lên trong một làn sóng mạnh mẽ trong những năm 1960. Ngoài OBV thì Joseph Granville cũng để lại một gia tài quý báu và được nhiều trader áp dụng như một quy luật giao dịch phổ biến trên các thị trường tài chính, đó là 8 quy tắc vàng về đường trung bình di động MA 200.
Joseph Granville cho biết, thứ nhất là khối lượng luôn đi trước giá; thứ hai, bởi vì khối lượng phản ánh tính thanh khoản, mà áp lực của thanh khoản sẽ ảnh hưởng lên giá nên sự chuyển động của khối lượng sẽ biến thành những tín hiệu dẫn dắt cho hướng di chuyển của giá.
Công thức tính chỉ báo OBV
Công thức tính toán OBV phụ thuộc dựa trên sự biến động giá và khối lượng giao dịch là biến số duy nhất tạo ra giá trị của OBV.

Cụ thể: Ở phiên giao dịch thứ n (phiên giao dịch hiện tại) , nếu chọn
- Close (n) > Close (n-1) thì OBV (n) = OBV (n-1) + Volume (n)
- Close (n) <Close (n-1) thì OBV (n) = OBV (n-1) + [– Volume (n) ]
- Close (n) = Close (n-1) thì OBV (n) = OBV (n-1)
Trong đó: Close (n) : giá đóng cửa của phiên giao dịch hiện tại, Close (n-1) : giá đóng cửa phiên giao dịch trước đó và Volume (n) : khối lượng giao dịch của phiên hiện tại.
Khi ra đời chỉ báo OBV thông qua cuốn sách Granville ’ s New Key to Stock Market Profit, tác giả có đề cập đến 2 khái niệm: dòng khối lượng âm và dòng khối lượng dương. Nếu giá đóng cửa thấp đi so với phiên giao dịch trước đó thì tất cả khối lượng giao dịch của phiên được tính là khối lượng âm và nó sẽ được nhân với hệ số (-1) nhằm phản ánh những biến động giảm giá của phiên đó.
Cách xác định OBV ở trên gọi là phương pháp tích luỹ dòng khối lượng. OBV sau sẽ bằng OBV trước cộng với dòng khối lượng dương nếu giá biến động cao và ngược lại sẽ cộng với dòng khối lượng âm nếu giá biến động thấp.
Lưu ý: Đôi khi, giá mở cửa của phiên giao dịch này sẽ là giá đóng cửa của phiên giao dịch trước đấy, chính vì vậy, nhiều người so sánh Close (n) và Open (n) với nhau nhằm suy ra công thức tính toán của OBV, việc sử dụng Open (n) thay cho Close (n-1) là không đúng bởi không phải bao giờ giá mở cửa của phiên sau cũng tương đương giá đóng cửa phiên trước, đó là lúc thị trường tạo GAP.
Khi sử dụng chỉ báo OBV khi phân tích, tác giả không chú trọng đến giá trị của OBV mà chú ý đến sự di chuyển của nó trên đồ thị cùng với di chuyển của giá. Chính vì vậy, giá trị OBV ở thời điểm n= 0 có giá trị bằng 0.
Ý nghĩa của chỉ báo OBV. Mối tương quan giữa chuyển động của OBV và giá
- Chỉ báo OBV tăng (đường OBV có xu hướng tăng lên) khi khối lượng giao dịch của những phiên tăng giá cao hơn khối lượng giao dịch trong phiên giảm giá hay dòng khối lượng dương nhiều hơn dòng khối lượng âm. Chỉ báo OBV tăng thể hiện rõ áp lực mua đang cao hơn so với áp lực bán và giá có khả năng tăng cao hơn.
- Chỉ báo OBV giảm (đường OBV có xu hướng đi xuống) khi khối lượng giao dịch của những phiên giảm giá cao hơn khối lượng giao dịch trong phiên tăng giá hay dòng tiền âm nhiều hơn dòng tiền dương. Chỉ báo OBV giảm thể hiện áp lực bán đang cao hơn nữa và giá có khả năng sẽ giảm xuống.
- Chỉ báo OBV tăng nhưng giá không thay đổi hoặc giảm chứng tỏ lực giảm của giá đã bắt đầu suy yếu hơn và khả năng cao là giá sẽ đảo chiều tăng.
- Chỉ báo OBV giảm nhưng giá không thay đổi hay tăng chứng tỏ lực tăng của giá đã suy yếu dần và khả năng cao là giá sẽ đổi chiều giảm.
Kết luận
Trên đây là những thông tin về chỉ báo On Balance Volume và công thức tính của chỉ báo này. Với những thông tin cơ bản, Góc đầu tư hy vọng các trader sẽ có thêm kiến thức về chỉ báo cũng như tính toán được mình nên sử dụng như thế nào để đạt hiệu quả cao.